Tầm quan trọng của dây đai an toàn trong xây dựng hiện nay
Chủ nhật - 28/06/2015 13:27
Càng về cuối năm, các công trình xây dựng tại TPHCM càng đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp về đích trong năm. Thế nhưng, nhiều chủ thầu, công nhân lao động lại bất chấp các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) khiến nguy cơ tai nạn lao động tăng cao.
Chạng vạng tối 20-11, có mặt trước các công trình xây dựng nhà cao tầng ở cụm khu dân cư Văn Lang, 6B, Intresco, Đại Phúc… (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), chúng tôi ghi nhận không khí làm việc ở đây rất hối hả. Tiếng búa gõ, tiếng nện cừ sắt, tiếng nổ của xe bồn trộn bê tông… ở các công trình hợp thành một khối âm thanh hỗn tạp, phát ra xung quanh nghe inh ỏi.
Riêng khu dân cư Đại Phúc đã có hơn 10 công trình nhà ở được xây lên tầng 2, nằm sát mặt tiền các đường nội bộ, nhưng tất cả đều không bọc lưới chắn để tránh nguy hiểm cho công nhân đang làm việc và người dân qua lại bên dưới. Ở tầng trệt các công trình này, nước thải xây dựng chảy tràn lan, ngập dưới những vũng nước là những phích cắm, ổ điện và dây điện có nhiều mối nối chỉ được bọc hờ bằng bao ni lông.
Được hỏi thi công thiếu an toàn lao động thế này, có sợ bị xử phạt? Giám sát tại công trình xây dựng trong Khu dân cư (KDC) Đại Phúc trả lời gọn lỏn: “Phạt gì mà phạt. Công ty tôi thành lập hơn 10 năm nay, làm hàng trăm công trình từ Hà Nội vào đến TPHCM, chưa một lần thấy thanh tra xây dựng và cơ quan chức năng đến phạt những lỗi này…”.
Tính mạng của nhưng công nhân đâng bị đe dọa
Bất chấp nguy hiểm, công nhân tại công trình xây dựng bên hông nhà 21 đường số 23 (KDC Phong Phú, Bình Chánh) không đội mũ bảo hộ, đeo dây an toàn khi thi công trên cao.
Còn tại khu dân cư Phong Phú (ấp 5, xã Phong Phú, Bình Chánh) - nơi đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động trong năm 2012, hiện vẫn nhan nhãn công trình vi phạm ATLĐ. Sáng sớm 22-11, trên công trình xây dựng bên cạnh nhà số 21 đường số 23, bất chấp nguy hiểm, trên độ cao hơn 20m, nhiều công nhân không đội nón bảo hộ, không đeo dây đai an toàn, vô tư đi lại trên những thanh gỗ dẹp gác qua các trụ đỡ để xây ban công.
Đã vậy, công trình này còn thi công cả ban đêm, không lắp đặt lưới chắn an toàn, làm bê tông và các thanh gỗ liên tục rơi xuống đường. Các công nhân tại đây thừa nhận làm ban đêm rất nguy hiểm nhưng để thêm kinh phí trang trải dịp tết, họ chấp nhận thi công trong điều kiện không đủ ánh sáng, thiếu an toàn.
Tình trạng nhà thầu, công nhân thi công hối hả vào dịp cuối năm nhưng “bỏ quên” các quy định về ATLĐ còn diễn ra phổ biến tại hàng trăm công trình xây dựng ở các KDC Phú Mỹ (quận 7), Thạnh Lộc - Tân Thới Hiệp (quận 12), Ao Sen (quận Bình Tân), Trung Sơn (Bình Hưng, Bình Chánh)… Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn lao động để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra, đặc biệt số vụ còn tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Khó xử lý?
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết hầu hết các lỗi vi phạm về ATLĐ đều tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ, do UBND quận - huyện cấp phép, danh sách quận huyện nắm. Do đó để ngăn chặn hiệu quả các vi phạm này, địa phương cần chủ động phối hợp với đơn vị chức năng liên quan để việc kiểm tra, xử lý được thuận tiện và hiệu quả hơn. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các doanh nghiệp xây dựng hoạt động phải siết chặt việc cấp phép ở thời điểm này, tránh tình trạng cấp tràn lan, không đủ điều kiện vẫn cấp dễ dẫn đến tai nạn lao động.
Trong khi đó, đội trưởng một đội thanh tra địa bàn (trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM) cho rằng, việc xử lý vi phạm về ATLĐ tại các công trình có quy mô nhỏ (nhà ở) hiện nay rất khó và nhùng nhằng. Luật quy định khi phát hiện công trình xây dựng không đảm bảo ATLĐ sẽ xử lý nhà thầu thi công, tuy nhiên những người thi công ở công trình dạng này thường là một nhóm người từ thợ hồ đi lên, chứ không có tư cách pháp nhân của một công ty.
Theo Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, từ đầu năm đến nay thành phố xảy ra 76 vụ tai nạn lao động (tăng 16% so với cùng kỳ) khiến 78 người chết, 13 người bị thương. Trong đó chủ yếu là tai nạn lao động trong xây dựng và thường do điện giật, ngã từ trên cao, bị vật nặng đè - vùi lấp, ngạt khí, sự cố thiết bị… Để xảy ra các sự cố này, nguyên nhân chính do công nhân còn thiếu ý thức, không được tập huấn hoặc tập huấn sơ sài các kiến thức về ATLĐ trong xây dựng.
Những vụ tai nạn thảm kịch, những cái chết thương tâm của người lao động sẽ còn xảy ra, nếu ngay từ bây giờ chính quyền địa phương và ngành chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn.